Rất nhiều người có thói quen dụi mắt mà không hề biết rằng đây chính là một trong những nguyên nhân gây mất thẩm mỹ và nhiều vấn đề sức khỏe cho đôi mắt. Vậy cụ thể, thói quen này gây ra những tác hại gì và làm thế nào để khắc phục hiệu quả?
1. Dụi mắt gây ra những tác hại như thế nào?
Để giải quyết một số vấn đề như bị vướng dị vật vào mắt, ngứa mắt, cộm mắt, khô mắt vì tiếp xúc quá lâu với màn hình máy tính hay điện thoại, đeo kính áp tròng lâu hơn so với thời gian quy định hoặc khi chảy nước mắt,… chúng ta thường dùng tay dụi mắt. Tuy nhiên, nếu thường xuyên thực hiện hành động này, đôi mắt của bạn có thể gặp phải những vấn đề như sau:
Dụi mắt có thể gây hại cho mắt
– Xước giác mạc:
Khi bạn dụi mắt, nhất là khi dùng lực mạnh và liên tục, có thể ảnh hưởng đến cấu trúc của mắt. Trong những tình huống này, nếu có lông mi, dị vật hoặc bụi nằm trên bề mặt của mắt sẽ xảy ra tình trạng cọ xát giữa những dị vật và giác mạc khiến bạn bị đau, khó chịu và chảy nước mắt, xót mắt và mắt sẽ nhạy cảm hơn với ánh sáng.
Trong một số trường hợp, việc dụi mắt với lực mạnh còn có thể dẫn đến tổn thương các mạch máu nhỏ tại mắt và khiến lòng trắng của mắt bị đỏ, đồng thời những vùng da quanh mắt sẽ chuyển màu thâm đen, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến bạn già hơn so với tuổi. Thậm chí, thói quen này còn có thể khiến giác mạc ngày càng mỏng, bị biến dạng, suy giảm thị lực và đôi khi cần thực hiện phẫu thuật mới có thể giải quyết triệt để vấn đề này.
– Gây ngứa nhiều hơn và dẫn đến nhiễm trùng mắt:
Nhiều người dụi mắt vì muốn giảm ngứa mắt. Tuy nhiên, hành động này lại dẫn tới giải phóng histamin khiến cho mắt bị ngứa nhiều hơn. Hơn nữa, khi bạn đưa tay lên dụi mắt, bạn đã vô tình đưa trực tiếp vi khuẩn vào mắt. Như vậy, vi khuẩn sẽ có điều kiện thuận lợi và dễ dàng tấn công mắt, từ đó có thể gây ra nhiễm trùng mắt.
Dụi mắt khiến tình trạng cận thị nghiêm trọng hơn
– Bệnh tăng nhãn áp nghiêm trọng hơn:
Trường hợp bệnh nhân bị tăng nhãn áp, dụi mắt sẽ khiến cho bệnh càng nặng hơn. Cụ thể là khi bạn dụi mắt, quá trình lưu thông máu lên mắt sẽ bị gián đoạn. Nếu hành động này diễn ra thường xuyên sẽ dẫn tới lâu dần tổn thương thần kinh thị lực. Điều này sẽ khiến nhãn áp tăng nhanh hơn và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, nguy hiểm nhất là tình trạng mù mắt.
– Khiến bệnh cận thị thêm nghiêm trọng: Nếu đang bị cận thị (nhất là dạng cận thị thoái hóa), bạn không nên dụi mắt vì thói quen này sẽ khiến tăng mức độ cận thị.
– Làm mí mắt chảy xệ và tăng thêm nhiều nếp nhăn quanh mắt:
Khi bạn dụi mắt có thể khiến nhãn cầu tổn thương nhiều hơn, mí mắt dễ mất tính đàn hồi dẫn đến chảy xệ. Bên cạnh đó, thường xuyên dụi mắt còn khiến da của bạn dày lên và những nếp nhăn trên vùng da quanh mắt trở nên rõ ràng hơn. Thậm chí, thói quen xấu này còn khiến vùng da dưới mắt khô và đóng vảy.
– Ngoài những tác hại kể trên, thói quen dụi mắt còn có thể gây ra nhiều bệnh lý về mắt khác.
2. Làm sao để hạn chế thói quen dụi mắt?
Dụi mắt là một thói quen xấu, có thể gây ra nhiều tác hại cho mắt. Tuy nhiên, tình trạng mắt bị ngứa, kích thích do các nguyên nhân khác nhau lại là vấn đề rất thường gặp. Do đó, bạn cần bình tĩnh giải quyết những vấn đề này một cách hiệu quả, an toàn và đặc biệt là hạn chế cùng như loại bỏ dần thói quen dụi mắt. Dưới đây là những hướng dẫn giúp bạn khắc phục những vấn đề của mắt mà không cần dụi mắt:
Dùng nước nhỏ mắt để làm sạch mắt, loại bỏ dị vật
– Dùng khăn giấy sạch để thấm vào mắt hoặc mát xa mắt một cách nhẹ nhàng. Phương pháp này có thể giải quyết tình trạng ngứa mắt mà không khiến giác mạc bị tổn thương và hạn chế đưa trực tiếp vi khuẩn từ tay lên mắt.
– Dùng thuốc nhỏ mắt: Nhờ có loại thuốc này, bạn có thể rửa mắt sạch sẽ, loại bỏ bụi bẩn và các tác nhân gây ngứa, kích thích mắt.
– Trong trường hợp có dị vật trong mắt, cần dùng thuốc nhỏ mắt kết hợp với tăm bông để loại bỏ dị vật theo dòng nước nhỏ mắt. Có thể chớp mắt liên tục để đẩy dị vật ra ngoài một cách dễ dàng hơn. Nếu dị vật lớn bị vướng trong mắt, hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được các bác sĩ xử lý hiệu quả.
– Những trường hợp bị ngứa do một số bệnh lý về mắt như viêm kết mạc, viêm bờ mi hoặc mắt phải điều tiết vì làm việc liên tục, bạn có thể vệ sinh mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt. Lưu ý, cần thăm khám kịp thời và điều trị bệnh theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để bệnh khỏi hoàn toàn, hạn chế chứng ngứa mắt thường xuyên và những hậu quả nghiêm trọng khác.
– Khi đang điều khiển xe mà gặp dị vật vướng vào mắt, đặc biệt là tình trạng côn trùng bay vào mắt, bạn cần bình tĩnh dừng xe vào lề đường để đảm bảo an toàn giao thông và không nên đưa tay lên dụi mắt, có thể dùng giấy thấm sạch hoặc nước nhỏ mắt để giải quyết vấn đề này. Để hạn chế nguy cơ bị dị vật, bụi côn trùng bay vào mắt, bạn nên đeo kính khi ra đường.
Bạn cần thăm khám kịp thời nếu xảy ra những vấn đề ở mắt
– Hạn chế tình trạng ngứa mắt, khô mắt,… sẽ giúp bạn hạn chế thói quen dụi mắt. Do đó lời khuyên dành cho bạn chính là cân bằng chế độ nghỉ ngơi và làm việc. Không nên để mắt làm việc quá lâu, nhất là làm việc trước màn hình máy tính, không dùng điện thoại, xem tivi quá lâu để tránh gây mỏi mắt và ngứa mắt.
Bên cạnh đó, cần vệ sinh mắt đúng cách, đảm bảo ngủ đủ giấc, tránh thức khuya và bổ sung nhiều loại thực phẩm tốt cho mắt. Ngoài ra, bạn có thể tập một số bài tập mắt đơn giản mà có thể tăng cường sức khỏe mắt rất hiệu quả.
Nguồn: https://medlatec.vn/