Đôi mắt giúp chúng ta có thể nhìn thấy mọi vật xung quanh. Tuy là một cơ quan rất nhỏ nhưng cấu tạo của mắt khá phức tạp, bao gồm nhiều bộ phận khác nhau. Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cấu tạo và chức năng của mắt
1. Cấu tạo của mắt
Để tìm hiểu rõ hơn về cấu tạo của mắt, có thể chia thành 2 phần là cấu tạo bên ngoài và cấu tạo bên trong. Trong đó:
Cấu tạo của mắt khá phức tạp
– Cấu tạo bên ngoài của mắt: Phần ngoài của mắt bao gồm những bộ phận như sau:
+ Lông mi và mi mắt: Chức năng của các bộ phận này là giúp cho mắt có thể đóng và mở linh hoạt, giúp bảo vệ mắt có thể tránh khỏi những tác nhân gây hại như khói bụi, dị vật,… và giúp mắt điều tiết, tránh xảy ra tình trạng khô mắt.
+ Củng mạc: Bộ phận này có đặc điểm rất cứng, chính là một màng bao quanh nhãn cầu.
+ Giác mạc: Vị trí của bộ phận này là ở phía trước của củng mạc. Giác mạc giống như một thấu kính giúp chúng ta nhìn thấy sự vật.
+ Kết mạc: Chính là phần lòng trắng của nhãn cầu.
+ Mống mắt là bộ phận quyết định màu mắt và nằm ngày sau giác mạc.
+ Đồng tử: Nằm ở trung tâm của mống mắt. Nhờ có các cơ trong mống mắt, đồng tử có thể giãn ra hoặc co lại để lượng ánh sáng vào mắt được cân bằng.
– Cấu tạo bên trong của mắt bao gồm:
+ Thủy dịch: Là một chất dịch rất quan trọng trong việc duy trì hình dạng cầu căng cho mắt. Đồng thời, đây cũng là bộ phận cung cấp dưỡng chất cho giác mạc.
+ Thủy tinh thể: Nằm ở phía sau đồng tử. Có chức năng hội tụ tia sáng vào võng mạc giúp cho hình ảnh trong mắt được rõ ràng và sắc nét hơn.
+ Võng mạc: Vị trí của võng mạc là nằm ở phía trong cùng của nhãn cầu. Có khả năng tiếp nhận và cảm nhận ánh sáng. Sau đó, bộ phận này sẽ truyền tín hiệu về não nhờ có dây thần kinh thị giác. Từ đó, chúng ta sẽ có ý thức về những sự vật, sự việc mà mình quan sát được.
+ Dịch kính: Giống như một chiếc đệm trong suốt. Nhiệm vụ của bộ phận này là đảm bảo nhãn cầu ổn định. Khi dịch kính trong suốt là một phần quan trọng để đảm bảo ánh sáng có thể đi đến võng mạc.
+ Hắc mạc: Chính là bộ phận nằm giữa củng mạc và võng mạc.
2. Chức năng của mắt là gì?
Về mặt sinh học, đôi mắt giúp con người thấy rõ được những tác động từ bên ngoài môi trường sống và có những phản ứng với môi trường, nhất là khi diễn ra nhiều thay đổi.
Mắt giúp chúng ta nhìn rõ sự vật xung quanh
Về mặt quang học, đôi mắt có khả năng thu chụp những thông tin về màu sắc và hình ảnh giống như những chiếc máy ảnh. Sau đó, những thông tin này sẽ chuyển lên não bộ để được xử lý và lưu trữ.
Con người có thể giao tiếp bằng ánh mắt
Đôi mắt còn được gọi là “cửa sổ” của tâm hồn. Đôi khi chỉ thông qua một ánh nhìn, bạn có thể hiểu ý và trao đổi thông tin với người đối diện. Hành động này có thể thay cho nhiều lời nói. Bởi vậy, đôi mắt có thể giúp chúng ta giao tiếp phi ngôn ngữ.
3. Hướng dẫn cách chăm sóc và bảo vệ đôi mắt
Đôi mắt rất quan trọng nhưng cũng rất nhạy cảm, bởi thế, cần chăm sóc và bảo vệ mắt đúng cách để đôi mắt luôn khỏe đẹp và giúp chúng ta có thể quan sát cuộc sống tươi đẹp và giao tiếp với mọi người xung quanh.
Dưới đây là một số hướng dẫn cụ thể dành cho bạn:
– Hãy tăng cường sức khỏe cho đôi mắt bằng một số loại thực phẩm như các loại rau xanh đậm, các loại trái cây có màu vàng, các loại thịt, gan động vật, các loại cá,… Trong những loại thực phẩm này có chứa nhiều vitamin A, vitamin C, Beta – caroten,… rất tốt cho nhãn lực.
– Không nên để mắt phải hoạt động quá sức
Bạn không nên làm việc trong thời gian dài, nhất là khi phải làm việc với máy tính, điện thoại hay các thiết bị điện tử khác. Hãy liên tục chớp mắt để giảm tình trạng khô mắt.
Không gian làm việc hay nơi đọc sách cần đảm bảo có đủ ánh sáng. Với những trường hợp phải làm việc với máy tính cần lưu ý không nên để ánh sáng quá chói hoặc quá tối, không nên để máy tính quá xa hoặc quá gần, phần màn hình máy tính cần cao ngang vùng ngực để bạn có thể dễ dàng quan sát, đặc biệt cần ngồi làm việc đúng tư thế.
– Tránh những hành động có thể làm tổn thương vùng mắt như không nhìn trực tiếp vào luồng ánh sáng mạnh, đeo đồ bảo hộ khi thực hiện hàn xì,…
Nếu mắt có vấn đề bất thường cần phải đi khám sớm
– Không nên dùng kính áp tròng quá lâu, cần vệ sinh kính áp tròng sạch sẽ trước khi sử dụng.
– Nên bảo vệ mắt bằng cách đeo kính khi ra ngoài, nhất là khi trời nắng.
– Loại bỏ thói quen dụi mắt.
– Tập thể dục cho mắt và mát xa cho mắt sau những giờ làm việc căng thẳng. Nếu thực hiện đúng cách và đều đặn mỗi ngày, đôi mắt của bạn sẽ sáng khỏe hơn và phòng ngừa bệnh về mắt rất hiệu quả. Có thể kết hợp đắp mắt bằng dưa chuột hoặc cà chua để làm đẹp vùng da mắt và giúp bạn cảm thấy thư giãn, thoải mái.
– Ngủ đủ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày và không nên thức khuya.
– Sử dụng riêng khăn lau mặt và cần thường xuyên giặt sạch. Nếu có bụi bay vào mắt và có cảm giác cộm mắt, khó chịu, bạn có thể dùng thuốc nhỏ mắt có tính sát khuẩn nhẹ. Có thể dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mắt.
– Dùng thuốc nhỏ mắt theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ
– Nên khám mắt định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề về mắt và kịp thời điều trị. Tuy nhiên, nếu có triệu chứng bất thường như đau mắt, giảm tầm nhìn, sợ ánh sáng,… bạn không cần chờ đợi đến lịch khám mà cần đi khám càng sớm càng tốt để các chuyên gia thăm khám và xử trí kịp thời.
Nguồn https://medlatec.vn/